THPT VĂN LANG
TRƯỜNG THPT VĂN LANG 20 NĂM NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG

TRƯỜNG THPT VĂN LANG 20 NĂM 

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG

                                                                                                                                            LÊ BÍCH CHÂU

Kính thưa!

Đầu thu, năm 1997, chúng ta đã tập trung tại đây để dự lễ khai giảng năm học đầu tiên của trường trung học phổ thông Văn Lang.

Thấm thoát thoi đưa, 20 năm trôi qua. Với thời gian, với tuổi đời của một ngôi trường chưa phải là dài, nhưng với các thầy cô giáo, các thế hệ học sinh đã từng giảng dạy, học tập ở đây, thì Văn Lang cũng đã để lại được nhiều dấu ấn khó quên.

Khoảnh khắc này đây đối với tôi thật là xúc động, bởi tôi đang được vinh dự được thay mặt các thế hệ thầy cô và học sinh Văn Lang, ôn lại những kỷ niệm, những dấu ấn ngọt ngào và cay đắng, những thuận lợi và khó khăn, những điều đạt được của trường ta trong 20 năm qua.

Kính thưa!

Hẳn chúng ta còn nhớ những năm đầu tiên chúng ta học tại trường Trung cấp Đường Sắt thuộc xã Thượng Thanh – Gia Lâm – một ngôi trường quả là đẹp về cảnh quan, cơ sở vật  chất đầy đủ, khang trang, sạch sẽ. Các lớp học rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế đầy đủ, sân chơi rộng, có cả sân bóng, có nhà ăn tập thể cho thầy cô giáo và học sinh. Phòng làm việc của Ban Giám hiệu, phòng làm việc và nghỉ ngơi của các thầy cô đều có đủ. Đây là ngôi trường “trường ra trường lớp ra lớp” của thời kỳ đó. Đặc biệt là ban giám hiệu trường Đường Sắt ủng hộ chúng ta, hết lòng với mong muốn cùng trường ta mở ra những khóa đào tạo liên thông từ phổ thông lên trung cấp, đặc biệt là tạo điều kiện cho con em các cán bộ đang phục vụ ngành Đường Sắt ở mọi miền đất nước. Đây là một ý tưởng mới táo bạo trong giáo dục và rất nhân văn.

Nhưng chính thời gian này, là lúc ngành giáo dục cho phép các trường công được mở hệ B, với khả năng của từng trường không hạn chế. Đồng thời tại Gia Lâm cũng có nhiều trường dân lập được mở ra: trường THPT dân lập Vạn Xuân, trường THPT Phan Tây Hồ, trường THPT Lê Văn Thiêm. Vài năm sau một trường công lập, với cơ sở vật chất rất tốt và hiện đại được thành lập, đó là trường Lý Thường Kiệt.

Với bối cảnh như vậy trường THPT Văn Lang như một cù lao nhỏ, bị bao vây từ mọi phía khó mà cạnh tranh được. Trong khi đó tâm lý của nhân dân ngoại thành nói chung, đặc biệt là cha mẹ học sinh nói riêng vẫn “mê” vào trường công lập, nên họ “cậy cục” xin cho con vào hệ B của trường công đó.

Trường ta đóng tại xã Thượng Thanh, cách trục đường Nguyễn Văn Cừ khá xa, đi lại lắt léo, nếu trời mưa to có những đoạn đường thấp ngang mặt ruộng, nước ngập hết bánh xe đi lại cũng ngại. Vì không đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi” nên việc tuyển sinh của nhà trường rất khó khăn.

Không chịu bó tay, một năm sau, năm 1998, Ban Giám hiệu quyết tâm mở thêm cơ sở 2 tại trường Đội Lê Duẩn bên cạnh đền Voi Phục. Một ngôi trường cũng rộng đẹp, đầy đủ điều kiện cho việc giảng dạy và học tập. Bản thân trường cũng muốn ổn định lâu dài tại đây, nhưng vị trí trường Đội không có lợi cho ta tuyển sinh: Trong những năm này khu vực dân cư ở đây nằm trong kế hoạch dãn dân triệt để của thành phố để làm thành những tuyến đường lớn giải quyết ách tắc giao thông ở phía tây, mật độ dân cư thưa, chủ yếu là hàng quán, công viên Thủ Lệ, Vườn Thú. Đi về phía trước một chút có trường THPT Yên Hòa, với bề dày truyền thống dạy và học của Hà Nội, lại mở rất nhiều lớp hệ B để thu hút học sinh nên trường ta tuyển sinh rất chật vật.

Chúng ta duy trì ở trường đội được 4 niên học, nhưng ở trường Đội, các lớp học sinh ở đây đều có ý thức học tập tu dưỡng, nên kết quả học tập rèn luyện tốt hơn cả của nhà trường. Đến năm 2002 trường chuyển đến Trung tâm giáo dục dạy nghề quận Ba Đình – số 10 Nguyễn Trường Tộ mở phân hiệu mới.

Tại đây địa điểm chật hẹp, không có sân chơi, sân tập thể dục, nên sinh hoạt tập thể rất khó khăn. Có lớp chỉ có chỗ ngồi được 20 học sinh, phòng họp không có, phòng làm việc của Ban Giám hiệu, của các thầy cô giáo đều không có. Khi tiếp khách, tiếp cha mẹ của học sinh rất bất tiện. Gần đó cũng đã có trường THPT dân lập Phùng Khắc Khoan đã mở và học có nề nếp từ trước.

Nhưng với địa điểm số 10 – Nguyễn Trường Tộ, cũng có nhiều thuận lợi đáng kể, nằm giữa khu vực đông dân cư, xung quanh có nhiều trường THCS đông học sinh, lại nằm sát một số trường của quận Hoàn Kiếm với các trường THCS rất gần như : Lê Lợi, Phúc Xá, Nghĩa Tân….. Là khu nội thành, trung tâm nên quan niệm học ở các trường dân lập của nhân dân của phụ huynh học sinh cũng “thoáng” hơn. Vì vậy Ban Giám hiệu quyết “định đô” tại đây để đưa trường vào thế ổn định để phát triển.

Đến năm 2005, chuyển toàn bộ từ trường Trung cấp Đường Sắt về Nguyễn Trường Tộ thành một mối để tiện việc chỉ đạo.

“ Đất lành chim đậu “, số học sinh dần dần tăng lên một cách ổn định. Những ngày đầu chỉ tuyển sinh được 64 em, năm sau được 141 em. 5 năm trở lại đây, hàng năm đều tuyển sinh đạt chỉ tiêu với số lượng 350 em.

Những ngày đầu để phụ huynh và học sinh biết tới trường ngoài việc phải nâng cao chất lượng dạy và học hàng năm, cả Ban Giam hiệu và các thầy cô giáo đều phải làm công tác tuyển sinh các thầy cô đã đến các trường THCS trong quận và cả quận Hoàn Kiếm để giới thiệu về trường, giới thiệu về mục tiêu đào tạo, về đội ngũ thầy cô giáo.

Mưa dầm thấm lâu, phụ huynh và học sinh đã biết về hoạt động của nhà trường, đã tự đến với trường, trường THPT Văn Lang dần đứng vững được trong ngôi nhà rộng lớn ngành giáo dục Thủ đô.

Kính thưa !

Gần 20 năm qua, trường THPT Văn Lang luôn trung thành với mục tiêu giáo dục: Đầu vào ít được chọn lọc, nhưng phải đảm bảo chất lượng toàn diện để giúp cho những học sinh gặp khó khăn về học tập và đạo đức. Sau 3 năm, các em có thể tốt nghiệp THPT để có thể phấn đấu vào trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp… Xa hơn nữa các em có thể tự mình đứng vững trong cuộc sống.

Nhiều em học sinh khi vào trường, không có đủ kiến thức cơ bản, không có nề nếp tự học, không có thói quen suy nghĩ độc lập, không có động lực, ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập. Không những thế luôn bị hoàn cảnh chi phối, không làm chủ được bản thân, một số em lại có cá tính phát triển mạnh mẽ. Làm thế nào để trong 3 năm học dẫn dắt các em đến thành công?

Trong 20 năm trường đã đào tạo được 3948 học sinh lớp 12, bình quân thi đỗ tốt nghiệp hàng năm là 98%, có những khóa đã tốt nghiệp 100%. Hai bộ môn Toán và Tiếng Anh bao giờ cũng đứng ở đầu tốp các trường THPT Hà Nội.

Học sinh Văn Lang nhiều em đỗ vào Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước, hiện đã và đang công tác ổn định trong và ngoài nước

Nhiều học sinh trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao đã đạt thành tích tốt: Hoàng Thị Bích Thủy là Bí thư chi đoàn, học sinh tiên tiến liên tục, đã đạt Huy chương Đồng giải Karate toàn quốc khi còn học tại trường. Sau đó đỗ Đại học TDTT Từ Sơn, hiện em là cán bộ giảng dạy của nhà trường.

Nhiều học sinh tự vươn lên học tập trong hoàn cảnh rất khó khăn: Lê Mạnh Hùng (niên khóa 2000-2003) gia đình ly tán, em phải tự lao động kiếm tiền ăn học và nuôi em gái. Với ý chí và quyết tâm em đã đỗ Đại học, hiện đang làm việc tại tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Gần 20 năm qua, qua các phiếu khảo sát của học sinh đã ra trường, chúng ta cũng thu được một tỷ lệ khiêm tốn đáng khích lệ: Đó là 45% học sinh đã vào được các trường Đại học và Cao đẳng, 50% theo học các trường cao đẳng và đang khẳng định mình trong công việc hiện tại.

Và hôm nay đây, trong không khí vui mừng kỷ niệm 20 năm thành lập trường, nhiều em đã thành công trên các giảng đường của các trường đại học, ở các nhà máy, các công trường xí nghiệp nhà nước và tư nhân, nhiều em đã có cửa hàng, xưởng nhỏ đã giúp đỡ được nhiều bạn trong lớp có công ăn việc làm. Ngoài ra trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, an ninh, quốc phòng,… đều có học sinh trường THPT Văn Lang tham gia.

Đây là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ thầy cô giáo trường Văn Lang. Vẫn biết rằng sự thành công của mỗi học sinh trong cuộc sống hôm nay là do các em nỗ lực phấn đấu. Mỗi em đã tự tìm cho mình một con đường riêng phù hợp cho bản thân, phù hợp với xã hội để đi tới thành công. Tuy vậy chúng ta vẫn tự hào khẳng định: Sự trưởng thành của mỗi học sinh Văn Lang hôm nay, không thể không có công sức của các thầy cô giáo cũng như cha mẹ các em.

20 năm phát triển. Trong một nền kinh tế thị trường đầy biến động, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn quá nhiều khó khăn, nhưng các thế hệ thầy cô giáo dưới sự chị đạo Ban Giám hiệu vẫn luôn nêu cao mục tiêu giáo dục rất nhân văn của mình là cố gắng dạy dỗ các em từng bước tiến bộ để thành người có ích.

Kết quả đạt được chưa phải là nhiều, chua phải là cao, nhưng trên thực tế các thầy cô giáo Văn Lang đã phải ngày đêm đau đáu với chữ “ Tâm “ và chữ “ Nhẫn “ làm đầu và cố thực hiện cho hiệu quả.

Nói tới chữ  “Tâm” là nói tới tình yêu thương học sinh, tấm lòng của người thầy đối với trò như con em của mình với tấm lòng nhân ái sâu sắc “thương người như thể thương thân”. Thường trò, thương cả cha mẹ của trò vì có những đứa con ngỗ nghịch, không biết nghe lời. Vì tình yêu thương đó mà thầy cô đã phải vừa dạy, vừa dỗ, để truyền tải tới trò những kiến thức cơ bản nhất, sau khi thầy cô đã ra công chắt lọc cho tinh. Nếu không có tình thương, không có tấm lòng “thương người như thể thương thân” thì không có kết quả như vậy. Muốn dạy được, thầy cô phải tỉ mỉ và đầy trách nhiệm, có tình cảm với sự thân thiện, mình có sự thương yêu, khoan dung với trò, các em sẽ quý mình. Dù tỷ lệ lúc đầu có thể chưa nhiều. Thầy cô dạy những gì cơ bản nhất, dạy dễ hiểu, dễ nghe. Thông cảm bao dung, thân thiện thì các em sẽ cảm phục và các em sẽ có sự chuyển biến về ý thức lẫn kết quả học tập. Tất nhiên không phải ngày một ngày hai mà phải 1 năm, 2 năm, 3 năm mới có kết quả. Các thầy cô đều thấm nhuần một đạo lý nghề nghiệp là dạy “chữ” dạy “người”. Nhiều em khi vào nói năng thiếu lệ độ, ngang tàng trong cách ứng xử với thầy cô, với các bạn và những người xung quanh không đúng mực. Thế là cấc thầy cô giáo trước tiên phải là tấm gương đúng mực cho học sinh, sau đó uốn nắn tỉ mỉ từ lời ăn tiếng nói, cách đứng, cách ngồi, cách hành xử củacác em. Để sau 3 năm các em đều được đánh giá ngoan hơn, thuần hơn, sống có tình nghĩa hơn và bản thân các em cũng tự nhận ra mình đã bỏ được thói hư tật xấu.

Nói đến chữ “nhẫn” ở đây các thầy cô giáo phải nhẫn nại, kiên trì tỉ mỉ, thậm chí cả “nhẫn nhịn” nữa.

Đầu vào, học sinh không được chọn lựa, nhiều em tiềm ẩn rất nhiều điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên không có chút kiến thức cơ bản nào, không có thói quen ngồi học quá 15 phút, thậm chí có nhiều em còn thực hiện “3 không” một cách kiên quyết – “không nghe” “không ghi” “không học”. Nhiều em đến trường để gặp bạn bè cho vui. Còn học ư? Vì nể bố mẹ thôi! Phương châm của các em này là luôn làm trái với quy định của nhà trường, làm cho thầy cô bực mình là “thắng lợi” rồi.

Với những học sinh như vậy, hơn lúc nào hết thầy cô phải nhớ tới lời cổ nhân đã dạy “Bách nhẫn – thành kim”. Nếu không kiên trì, tỉ mỉ, nhẫn nại thì làm sao dạy nổi. Có khi chỉ một công thức toán, lý rất đơn giản thầy cô giảng đi giảng lại nhiều lần, nhưng khi hỏi lại các em toàn không trả lời được.

Có nhiều em ngỗ nghịch mắc lỗi lại không bao giờ nhận, hay thanh minh, cãi lại…..Những em này nhiều khi phải “tha thứ” cho vài ba lần, thầy cô nhẫn nại ngồi nghe các em giải thích, có khi giả vờ chấp nhận lời giải thích đó mặc dù biết là không đúng. Chờ đến lúc thích hợp sẽ nói lại với các em những điều mình nghĩ lúc đó sẽ có tác dụng hơn nhiều.

Các thầy cô giáo Văn Lang đã phải áp dụng hàng trăm biện pháp giáo dục được học trên ghế nhà trường và tích lũy qua thời gian giảng dạy, thậm chí áp dụng biết bao “mẹo” lớn, “mẹo” nhỏ để mong giúp các em 3 năm học ở trường có được những kiến thức tối thiểu nhất. Giúp các em biết ứng xử với những người xung quanh, với xã hội, để có thể hòa nhập bước đầu với cuộc sống hiện tại.

20 năm qua rất nhiều thầy cô giáo đã tận tụy vì sự nghiệp trồng người của trường. Thầy giáo Lê Văn Ngọc (môn Hóa), Triệu Trường Giang (môn Sinh vật) gầy yếu nhưng vẫn đều đặn sang trường Đường Sắt để giảng dạy các em.

Trong những ngày đầu mới đến các cô giáo trẻ hôm nay cũng tận tụy cần mẫn dạy dỗ các em với hết tâm sức: cô Vũ Ngân Bình (môn Anh văn), cô Triệu Thị Phương Trâm( môn Toán) …..

Phong trào dự giờ thăm lớp đúc rút kinh nghiệm hàng năm được tổ chức đều đặn. Đặc biệt Ban Giám hiệu có nhiều buổi trao đồi về vấn đề Giáo dục và phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo. Trường đã có đội tuyển thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi cụm hàng năm.

Nhà trường và các thầy cô đều hiểu rõ việc quan trọng nhất của nhà giáo không phải là có trình độ giỏi hay không giỏi mà quan trọng là cách truyền đạt được kiến thức của mình cho học sinh, khơi dậy được sự sáng tạo , sự tự giác cho các em hay không. Đánh giá của nhà trường cũng dựa trên tiêu chí là học sinh có thực sự tiến bộ hay không? Vì vậy buộc các thầy cô giáo phải lựa chọn cho mình  một phương pháp giảng dạy, mà không có phương pháp nào hơn là phải lấy học sinh làm trung tâm, hiểu rõ các em, khơi dậy trong các em sự hứng thú học tập.

20 năm qua nhà trường đã hội tụ được một đội ngũ thầy cô giáo đến từ nhiều nơi, nhiều nguồn về đây để xây dựng nhà trường. Trong số đó có nhiều người đã nghỉ hưu, nhiều người còn rất trẻ, mới ra trường được một vài năm. Có người đang giảng dạy tại các trường công lập, có người đã và đang giảng dạy tại các trường đại học.

Ở đây mỗi thầy cô giáo đều quan tâm tới việc dạy người chứ không chỉ “dạy chữ” đơn thuần. Một phần cũng bởi lẽ nếu không quan tâm tới việc “dạy người” thì sẽ không thể “dạy chữ” được. Đó cũng là điều đạo lý xưa nay. “Tiên học lễ,, hậu học văn” là nói tới việc “dạy người”. Chúng ta phải khâm phục các thầy cô giáo chủ nhiệm, đã tận tụy biết bao trong công việc của mình, mà nếu không có sực cảm thông, thân thiện, gần gũi học trò thì sẽ không làm được! Đừng nghĩ rằng họ chỉ vì một lợi ich nào đó mà phải làm tốt công việc này. Để động viên khích lệ, thăm nom, động viên học sinh, an ủi gia đình các em, có lẽ đã trở thành xa lạ đói với nhiều người trong chúng ta, nhưng đối với thầy cô giáo chủ nhiệm trường THPT Văn Lang vẫn là “chuyện thường ngày của huyện”.

Họ hiểu học sinh tới “chân tơ kẽ tóc”, điều mà không ít người cho là rỗi hơi đã giúp họ thấu hiểu và thông cảm với những ấm ức hàng ngày không được giải tỏa, đã ám ảnh đè nặng lên đôi vai và khuôn mặt trẻ thơ các em. Đó cũng là điểm tựa cho mọi giải pháp giáo dục trở liên có hiệu lực. Có điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, thành công lớn nhất của các thầy cô giáo là đã khơi dậy, bồi dưỡng niềm tin cho các em học sinh nhờ đó đến được tới cả cha mẹ các em nữa.

Trong muôn vàn khó khăn của nhà trường trong gần 20 năm qua, Ban Giám hiệu của trường THPT Văn Lang ngoài việc quan tâm “dạy chữ, dạy người” còn làm tốt công việc xã hội.

Thực hiện nghiêm túc những quy định của nhà nước về các khoản nghĩa vụ hàng năm, dù còn thiếu thốn nhưng hàng năm nhà trường vẫn đều đặn miễn giảm học phí cho các em học sinh gặp khó khăn để ít nhiều động viên khuyến khích các em và cha mẹ các em, giúp cho các em tiếp tục đến trường.

Đời sống tinh thần vật chất của các thầy cô giáo luôn được quan tâm. Hàng năm, nhà trường có trích kinh phí tổ chức đi thăm quan, du lịch cho các thầy cô, vì vậy sực gắn bó đoàn tụ xung quanh Ban Giám hiệu cũng một phần được tăng lên.

Các chương trình nhân đạo, giúp những cảnh đời khó khăn, đều được nhà trường và học sinh quan tâm, kinh phí ủng hộ năm sau đều cao hơn năm trước. Chính vì những thành tích toàn diện trên nên năm học 2010- 2011 UBND thành phố Hà Nội chính thức cho trường chuyển đổi từ trường THPT DL Văn Lang sang trường THPT Văn Lang

 Kính thưa!

Hôm nay tại đây chúng ta nhìn lại chặng đường gần 20 năm hoạt động của trường. Chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn nhiều việc muốn làm mà vẫn chưa được. Và hôm nay chúng ta không thể nào quên được những người đầu tiên đã bỏ nhiều cong sức kiên trì, nhẫn nại xây dựng chèo lái con thuyền Văn Lang vượt qua bao thác ghềnh để tiến tới bến bờ bình yên:

Nhà giáo Phạm Đình Đậu, thật đau xót xa và tổn thất cho chúng ta Ông đã ra đi khi trường Văn Lang ở tuổi 14, một tuổi vị thành niên còn cần sự giúp đỡ của ông. Chúng ta không thể quên hình ảnh một nhà giáo đức độ, khiêm nhường, tôn trọng, chân tình với đồng nghiệp, thương yêu bao dung với học sinh, lo lắng cho sực nghiệp trồng người của nhà trường.

Chúng tôi sẽ cố gắng cùng Ban Giám hiệu kế tiếp công việc của ông để lại, xây dựng trường Văn Lang thành một trường vững mạnh để hòa cũng đại gia đình giáo dục Thủ đô.

Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thầy trò trường Văn Lang còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để trường là một nơi có kỷ cương nề nếp tốt, có chất lượng giảng dạy và học tập cao, có niềm tin của phụ huynh và học sinh

Tron ngày vui đặc biệt này, cho phép tôi thay mặt cho các em học sinh trường THPT Văn Lang gửi tới quý vị đại biểu, các thầy cô giáo lòng biết ơn chân thành về những đóng góp cho trường trong suốt 20 năm qua. Kính chúc các vị đại biểu, thầy cô giáo và các em học sinh lời chúc tốt đẹp, thành công. Các em sẽ luôn luôn cố gắng bên nhau rèn luyện. Tổ quốc đang chờ các em!

 Cô giáo LÊ BÍCH CHÂU

(giáo viên môn Lịch sử của THPT Văn Lang)

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

024.37162850
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon