THPT VĂN LANG
Kinh Nghiệm Du học Nhật Bản
Tốt nghiệp trung học phổ thông & chuẩn bị hành trang lên đường du học để chắp cánh cho ước mơ tri thức của mình, đến một đất nước hoàn toàn mới chưa một lần đặt chân ” Nhật Bản – Đất nước hoa anh đào”.
Bên cạnh niềm vui, niềm phấn chấn và vô vàn những dự định cho riêng mình có lẽ là những băn khoăn, hồi hộp, những lo lắng không biết cuộc sống học tập ở môi trường mới sẽ như thế nào, nhất là với một đất nước phồn hoa, hiện đại và có nhịp sống nhanh đến chóng mặt như Nhật Bản, vì thế kinh nghiệm của những người đi trước chính là món quà giá trị nhất.Các kinh nghiệm học tập trong các bậc học tại Nhật Bản, dựa trên những điều mà nhiều du học sinh đã đúc rút ra trong thời gian đã học tập tại đất nước hoa anh đào. Chúng tôi không thể truyền tải hết một cách chi tiết các kinh nghiệm trong quá trình học tập, mà chỉ giới thiệu một cách khái quát những phần tâm đắc và thiết yếu nhất, giúp các bạn hình dung cụ thể hơn về cuộc sống du học. Những điều chi tiết hơn, các bạn có thể tham khảo thêm ở các nguồn khác hoặc qua các lưu học sinh có kinh nghiệm và tự trải nghiệm khi bạn đặt chân đến Nhật Bản. Hy vọng rồi đây kinh nghiệm của chính bạn sẽ làm giàu thêm tài sản này và lại được truyền tải cho các lớp du học sinh đi sau.

1. Kinh nghiệm trong thời gian học tiếng Nhật
Thời gian học tiếng Nhật là thời gian rất quan trọng trong quá trình du học. Trên nhiều phương diện, nó quyết định cuộc sống du học của bạn trong suốt những năm sau. Đây là thời gian quý báu để bạn tập trung học tiếng Nhật, tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản, làm quen và gây dựng cơ sở cho cuộc sống du học. Với những sinh viên du học tự túc, đây còn là quãng thời gian đầy thử thách do phải tự vật lộn để trang trải mọi chi phí trong khi còn rất bỡ ngỡ. Những sinh viên du học theo học bổng toàn phần có điều kiện thuận lợi hơn về mọi mặt, và thời gian học tiếng Nhật sẽ chắc chắn là thời gian để lại nhiều kỷ niệm khó quên.
Trong khi phần lớn các trường tiếng Nhật tập trung ở 2 khu vực đô thị lớn là Tokyo và Osaka thì các trường đại học, cao đẳng và trung cấp lại nằm rải rác khắp nước Nhật. Nếu bạn chọn vào hoặc được phân về một trường tại địa phương thì đây còn là thời gian quí báu để bạn làm quen với chốn phồn hoa. Với sinh viên du học bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, do đại đa số phải học chuyên môn bằng tiếng Nhật nên thường phải tham gia các khoá học tiếng Nhật tập trung trong khoảng 1 năm. Sinh viên sau đại học có thể không phải học tiếng Nhật hoặc theo các khoá chừng 6 tháng với cường độ thấp hơn. Nhiều sinh viên sau đại học có xu hướng dùng tiếng Anh trong giao tiếp với giáo sư hướng dẫn. Thời gian đầu sẽ khá thuận tiện nhưng xét về mặt lâu dài lại là yếu tố bất lợi: bạn không thể phát triển tốt được tiếng Nhật. Khi đi lại, giao tiếp với người Nhật khác, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi có giấy tờ, văn bản liên quan đến bạn được gửi đến, bạn sẽ không thể đọc được, và lúc nào cũng phải hỏi người khác, rất bất tiện. Nếu thầy giáo muốn nói bằng tiếng Anh, bạn có thể giao tiếp với thầy bằng thứ ngôn ngữ này, rồi cố gắng hết sức dành thời gian để học tốt tiếng Nhật và mạnh dạn sử dụng. Bạn có thể sử dụng xen lẫn cả tiếng Anh, nếu bạn không biết ngay các từ vựng đó.

Trong thời gian ở Nhật Bản, ngoài tấm bằng, nếu bạn có một trình độ tiếng Nhật lưu loát, bạn sẽ có điều kiện tạo mối quan hệ tốt với các giáo sư, bạn bè Nhật Bản, tạo mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ, làm ăn trong tương lai. Sau khi về nước, với khả năng chuyên môn và tiếng Nhật trôi chảy, bạn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi và ưu thế hơn hẳn những người không biết tiếng. Ngoài ra, trong những tháng năm dài ở Nhật Bản, tiếng Nhật còn giúp bạn giảm căng thẳng, vơi bớt nỗi buồn xa nhà… khi bạn có thể hiểu các chương trình tivi, đài, đọc sách, và có nhiều bạn bè Nhật Bản. Nếu bạn chưa bao giờ học tiếng Nhật tại Việt Nam, hoặc chỉ có sự chuẩn bị chút ít, bạn sẽ cảm thấy đây là một ngôn ngữ khó và đôi khi nản lòng.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua những cửa ải đầu tiên, bạn sẽ dần tự tin và cảm nhận được những lợi ích sát sườn khi giao tiếp được bằng tiếng Nhật trong sinh hoạt. Theo kinh nghiệm từ lưu học sinh thì trong 3 tháng đầu tiên bạn sẽ khá vất vả, nhưng sau đó thì bạn sẽ quen dần và thấy tiếng Nhật dễ nhớ, dễ học hơn. Ngữ pháp tiếng Nhật khác nhiều so với tiếng Việt, trong đó cách sử dụng động từ và trợ từ tương đối phức tạp.
Ngoài ra, người Việt gặp một số âm khó phát âm. Những khó khăn này sẽ được giải quyết theo thời gian. Cách tốt nhất là giao tiếp nhiều vì trong thời gian này bạn sẽ có nhiều bạn bè quốc tế, những người dễ chia xẻ và tiếng Nhật cũng không hoàn hảo như bạn. Bỏ qua cơ hội giao tiếp trong thời gian này, bạn sẽ “dị ứng” mạnh hơn khi phải dùng tiếng Nhật trong học tập, nghiên cứu với người Nhật. Sẽ không quá lời khi nói rằng trình độ tiếng Nhật của bạn phụ thuộc phần lớn vào khả năng đọc và viết chữ Hán (Kanji). Tiếng Nhật sử dụng phổ biến khoảng 2000 chữ Hán. Nắm bắt được cách đọc và viết 2000 chữ Hán này, bạn sẽ tích luỹ được một vốn từ vựng rất lớn và hầu như có thể hiểu được nghĩa của các tài liệu viết. Ngược lại, nếu không thuộc được một lượng chữ Hán đủ lớn, bạn không thể viết, không thể đọc và vì thế không thể nhớ được từ vựng. Âm Hán Việt là vũ khí lợi hại giúp bạn tìm ra cho mình một qui tắc để học thuộc và nhớ tốt toàn bộ bảng chữ Hán thông dụng.

Cũng trong thời gian này, cần tranh thủ thời gian để củng cố lại kiến thức chuyên môn và đặc biệt là gây dựng vốn từ chuyên môn. Với những sinh viên phải tham gia kỳ thi tuyển sau khoá học tiếng Nhật, đương nhiên không thể tránh khỏi việc đầu tư thời gian chuẩn bị vì bạn không được phép thất bại. Sinh hoạt trong quãng thời gian này nhìn chung thoải mái do sức ép chưa nhiều (ngoại trừ những trường hợp du học tự túc). Trường hoặc trung tâm tiếng Nhật nơi bạn học thường tổ chức cho bạn các chương trình homestay (nghỉ tại các gia đình Nhật Bản) trong thời gian từ vài ngày đến một tuần, hoặc các chương trình giao lưu quốc tế gặp gỡ với người Nhật hoặc bạn bè đến từ nhiều nước khác trên thế giới. Đây là dịp rất quí báu để bạn có thể phát triển mối quan hệ với các gia đình và bạn bè Nhật Bản và biết thêm về lối sống của họ. Người Nhật vẫn còn giữ được nhiều bản sắc văn hoá truyền thống và Á Đông, rất chu đáo và hiếu khách. Nhiều du học sinh Việt Nam đã có được những tình cảm rất tốt đẹp với các gia đình homestay trong nhiều năm và được họ coi như là người thân trong gia đình. Những khi chúng ta gặp khó khăn ví dụ như chưa rõ nhiều điều về cuộc sống tại Nhật Bản, các gia đình homestay sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.

2. Sinh viên trung cấp
Hầu hết sinh viên Việt Nam theo học bậc học này hiện nay được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản, trong khi đây là khối trường thu hút nhiều sinh viên nước ngoài và phần lớn là sinh viên du học tự túc. Sau một năm học tiếng Nhật, các bạn sẽ được phân về các trường trung cấp tập trung quanh khu vực Tokyo và Osaka. Môi trường sống vì vậy hầu như không có thay đổi lớn. Ngoài thời gian học ở trường, bạn được hoàn toàn tự do.
Chương trình học nhìn chung gồm các tiết học bắt buộc và ít có sự lựa chọn. Ngoại trừ một số ngành đòi hỏi thực tập nhiều thì không vất vả, tuy nhiên do thời gian học ngắn (2 năm), bạn cần nỗ lực nhiều hơn ngay từ học kỳ đầu tiên, khi tiếng Nhật còn chưa vững, để đạt được kết quả tốt. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tìm việc làm hoặc chuyển tiếp sang học đại học. Không ít sinh viên chọn con đường thi và học lại từ năm thứ nhất đại học do số lượng các trường đại học chấp nhận chuyển tiếp còn hạn chế.

3. Sinh viên cao đẳng kỹ thuật
Sau thời gian một năm, có số vốn tiếng Nhật kha khá và biết được tương đối nhiều điều về cuộc sống đô thị, bạn sẽ được chuyển đến trường cao đẳng kỹ thuật (Kosen) nằm tại các địa phương của Nhật Bản. Các trường Kosen này phần lớn nằm tại các vùng xa xôi hẻo lánh, giao thông không được thuận tiện và có ít người nước ngoài sinh sống. Nhiều sinh viên đã bị sốc khi môi trường sống của mình bị thay đổi quá nhiều. Bạn sẽ vào học năm thứ 3 của khoá học 5 năm. Thời gian đầu, có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong ngôn ngữ vì bạn sẽ phải nghe giảng, viết bài… cùng các sinh viên Nhật vốn đã học ở trường 2 năm. Tuy nhiên nếu bạn cố gắng, chỉ chừng nửa năm sau là tiếng Nhật của bạn cũng đã khá thành thạo. Về nội dung tại các trường Kosen này, với học lực của các sinh viên Việt Nam đã được lựa chọn trong nước, thì cũng sẽ không gặp mấy khó khăn. Học sinh Kosen nhập học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở nên được quản lý khá chặt. Nam và nữ sống trong các ký túc xá riêng thường đặt ngay trong khuôn viên của trường. Buổi sáng dậy phải điểm danh, buối tối không được đi chơi quá 11h đêm và khi đi phải xin phép. Khách mời thường chỉ được gặp các học sinh tại các phòng tiếp khách của KTX và nếu nghỉ lại thì cũng tại phòng riêng. Nhìn chung, cuộc sống sẽ gò bó hơn rất nhiều so với thời gian học tiếng Nhật, nhưng có ưu điểm là bạn có thể toàn tâm toàn ý vào học tập và quan hệ bạn bè với những sinh viên Nhật cùng KTX sẽ giúp bạn hoà nhập dễ dàng hơn. Kết quả của ba năm học tại các trường cao đẳng có vai trò quan trọng khi bạn tốt nghiệp và muốn chuyển tiếp sang học đại học.
Những sinh viên nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tham dự kỳ thi xét học bổng và chỉ có một số ít được nhận tiếp học bổng này, số còn lại sẽ phải đi xin các nguồn học bổng khác. Kỳ thi chuyển tiếp vào năm thứ 3 của các trường đại học cũng là một rào chắn phải vượt qua. Bạn có thể tham khảo nhiều thông tin về kỳ thi này từ các lớp sinh viên đi trước. Khi đã chuyển tiếp vào năm thứ 3 đại học, bạn sẽ phải khá vất vả để đạt được số học phần cần thiết khi lên năm thứ 4 và khi tốt nghiệp. Nhiều trường đại học không chấp nhận chuyển đổi toàn bộ số học trình bạn đã lấy tại trường cao đẳng và bạn buộc phải theo một lịch học rất căng thẳng. Sẽ là một khó khăn rất lớn nếu bạn vừa phải làm quen với môi trường mới, vừa phải học đuổi, lại vừa phải làm thêm để trang trải sinh hoạt nếu không có học bổng. Vì vậy, hãy cố gắng đạt kết quả tốt ngay trong thời gian học cao đẳng và nếu không được kéo dài học bổng của chính phủ Nhật Bản thì tìm cách xin thật sớm một học bổng khác.

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

024.37162850
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon