Sau hơn 30 năm trong nghề dạy học, khi ở trường Chu Văn An về nghỉ hưu, lúc đó tôi thấy mình còn sung sức và đầy nhiệt huyết với nghề, nên khi được thầy Phạm Đình Đậu và cô Tố Nga nguyên là hiệu trường, hiệu phó của trường ngỏ lời mời về giảng dạy ở trường Văn Lang vừa thành lập, tôi và thầy Lý Văn Thi cùng tổ bộ môn SV-KT của trường Chu Văn An (trước là trường Ba Đình, học buổi chiều) cùng về dạy ở đây.
Trường Văn Lang mới được thành lập, lớp còn ít, lúc đầu đặt tại trường Trung cấp Đường Sắt bên Gia Lâm, sau mở thêm phân hiệu 2 tại trường Đội Lê Duẩn, cơ sở vật chất cả hai bên đều khang trang sách sẽ, thày Thi dạy cơ sở 1, còn tôi dạy ở cơ sở 2, thi thoảng chúng tôi cũng dạy đổi cho nhau. Trường tuy còn ít lớp nhưng không khi rất đầm ấm. Hầu hết giáo viên chúng tôi đều từ trường Chu Văn An- Ba Đình về giảng dạy ở đây thầy Giang (Sinh), cô Linh (Địa), cô Mai Anh (Văn)…… chỉ có vài thầy cô là từ nơi khác đến, nên ngay từ đầu chúng tôi đã rất gắn bó với nhau. Điều mà chúng tôi nhận thấy là tất cả các thầy cô đều rất tâm huyết gắn bó với nghề. Học sinh ở đây khả năng học không bằng học sinh trường Chu Văn An, mỗi e đều có hoàn cảnh riêng, và hơi tự ti. Tôi được giao làm chủ nhiệm lớp 10a2. Lúc đầu tôi cũng thấy rất bực mình vì tính tự do của các em, nào đi học muộn, ăn quà vặt trong giờ, chơi bi a …. Tôi quyết tâm chấn chính kỷ luật bằng các biện pháp thông thường, như nhắc nhở kiểm điểm….. Bên cạnh đó tôi nghĩ muốn thuyết phục được các em yêu lớp, yêu trường, tự giác học tập, kỷ luật thì phải đi vào tình người, phải cảm phục được các em. Thế là tôi tìm hiểu kỹ sơ yếu lý lịch của từng em, tâm sự chuyện trò cùng cán bộ lớp để các em ý thức hỗ trợ chia sẻ cô giáo. Được biết hoàn cảnh các em rất éo le, chưa được gia đình quan tâm chăm sóc. Có em bố mẹ mất sớm phải ở với các bác với bà. Thấy các em có ý thức cầu tiến thế là tôi luôn động viên, khích lệ chí tiến thủ, ngoài giờ quản lý trên lớp tôi chú ý hoạt động ngoài giờ để tăng tính hứng thú của các em với tập thể lớp. Mỗi em đều có quà tặng của lớp và của cô chủ nhiệm. Quà tuy nhỏ thôi, nhưng tôi thấy các em khi được nhận quà rất vui. Rồi tôi cùng cán bộ lớp tổ chức chơi các trò chơi. Các em tham gia rất hào hứng. Đặc biệt các em nam rất thích đá bóng. Hôm các em đi thi đấu, tôi phải theo các em, phần lo an toàn cho các trò, phần để động viên các em. Tôi để các em tự bảo nhau, từ đó lớp tiến bộ rõ rệt. Thế rồi ngày tháng cũng trôi qua các em đều có nghề nghiệp đàng hoàng và có gia đình riêng, có em rất thành đạt là giám đốc của một doanh nghiệp, có em làm tiếp viên hàng không, có em làm nghề lái xe, em thì học tiếp cao học….. Mỗi khi gặp lại các em nhắc lại chuyện xưa mà lòng tôi thấy vui vì những cố gắng của mình đã để lại những kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp trong ký ức tuổi học trò của các em.
Nhà giáo Nguyễn Hồng Nga nguyên Phó Hiệu Trưởng trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam